Câu chuyện của một cậu học trò lớp Bốn

Em gái tôi
Em gái tôi có cái tên rất hay: Ly Na. Chẳng biết mẹ tôi đặt tên cho em có nghĩa là gì, chỉ biết rằng luscmej sinh em thì bố tôi đang ở Liên Xô. Mẹ hay đùa tôi : tên em là Đi Nga.
Ly Na rất đanh đá, sắc sảo. Năm ngoái đang học mẫu giáo, nó đã được giải nhất "Bé khỏe bé ngoan" của huyện.Theo tôi nghĩ, có lẽ nhờ tài ứng xử và giao tiếp. Tôi còn nhớ với câu hỏi : "Cháu có thích mẹ sinh em bé nữa không ?". Các bạn nó đều trả lời: "Không thích vì sinh nhiều là khổ". Riêng nó trả lời : "Cháu rất thích em bé nhưng mẹ cháu bảo nhà ta có hai anh em rồi". Đầu buổi thi nó cúi chào: "Good morning". Cuối buổi thi nó chào: "Good bye". Lúc tôi đưa em về (hôm ấy mẹ bận, bố bận), nó hãnh diện mang luôn cả băng (hôm ấy mẹ bận, bố bận), nó hãnh diện mang luôn cả băng "giải nhất Bé khỏe bé ngoan" trên người từ trường thi về nhà. Gặp nó, ai cũng trêu : "Chào hoa hậu răng sún 94!" (Nó sún một răng cửa). Kể từ đó cả nhà thường gọi Ly Na là "Hoa hậu sún răng". Nó quả là không vừa. Có hôm tôi đi chơi quên trưa, chạy hớt hơ hớt hải về đến nhà thì cả nhà đã ăn cơm. Bố tôi giận dữ:
- Đặt câu với từ "ăn nhiều" xong mới được ăn cơm.
Tôi chưa kịp nói thì nó đã nhanh nhảu:
- Con đặt hộ anh "Ăn nhiều thì nhảy nhiều" được không bố ?
Bố tôi khen :
- Ly Na giỏi !
tôi lí nhí :
- Con đặt "Ăn nhiều thì khỏe", bố ạ !
Mẹ tôi ngăn bố :
- Bố để cho con ăn xong hẵng hay !

*
* *

Năm nay, nhà tôi chuyển vào thị xã Hà Tĩnh. Mẹ làm xa, lương thấp, đời sống khó khăn hơn. Chúng tôi rất thương mẹ. Tôi tự nguyện học ở nhà, không đi học thêm tại nhà cô như bọn bạn. Ly Na học lớp 1. Trưa, bố mẹ không về, nó được ăn ở nhà cô giáo. Một bữa chỉ có một nghìn rưỡi. Còn tôi thì một gói mì tôm. Vậy là bữa trưa, nhà tôi bốn người ăn bốn bếp. Bữa tối cả nhà sum vầy. Vui nhất là thời gian mẹ chuẩn bị cơm tối. Ba bố con thi nhau đọc thơ, biểu diễn văn nghệ, phỏng vấn hoặc trêu chọc "Hoa hậu sún răng", chê tôi lười học ở bẩn, hoặc trêu bố có ba bằng đại học mà không nuôi nổi vợ con, nhà thì 0,5 tầng...
Tối thứ bảy tuần này, thấy mẹ kể lể lương nhận xong thì trả nợ và chia hết đi đâu. mẹ đành chiêu đãi cả nhà món hến xào giá vừa rẻ vừa lắm đạm lại vừa mang hương vị quê hương. Bố tôi phỏng vấn Ly Na :
- Thưa hoa hậu, lớn lên hoa hậu muốn làm nghề gì ?
Ly Na nhanh nhảu :
- Thưa phóng viên, lớn lên, học xong, con muốn làm cô giáo dạy học ở thị xã.
- Thưa hoa hậu,làm cô giáo nghèo lắm !
- Thưa phóng viên, làm cô giáo ở quê thì nghèo nhưng ở thị xã thì chẳng nghèo đâu. Lương thấp còn có khoản dạy thêm và tiền mừng tuổi của phụ huynh.
- Thưa hoa hậu,dạy thêm chắc gì đã có học sinh đi học ?
- Thưa phóng viên,hoặc dạy thật giỏi, hoặc kiểm tra ra đề vào chỗ dạy thêm thì ai cũng lo mà đi học.
Mẹ tôi bưng cơm lên và chen vào : "Thưa phóng viên, ai cũng làm như phóng viên cả thì ai dạy cho con phóng viên học".
Em gái tôi vội khen :
- Mẹ giỏi !
Cả nhà cười vui.

(Phan Đức Thiện - Lớp 4 - Trường TH Bắc Hà, Hà Tĩnh)

Lời bình:

Truyện của Phan Đức Thiện rất người lớn. Về hình thức, đây là một truyện viết chắc tay, đặc biệt là cách sử dụng ngôn ngữ để dựng chân dung nhân vật. Về nội dung, nó biểu hiện sự hiểu biết khá phong phú về cuộc sống gia đình và những chuyện "đời thường" của xã hội hiện nay trong nhận thức của một cậu học trò lớp 4.

Ở đoạn thứ nhất, "Hoa hậu sún răng 94" được miêu tả với những nét tinh nghịch, hiếu động của một cô bé đang học Mẫu giáo. Cô bé có những ứng xử ngôn ngữ rất thông minh và có duyên - điều mà anh cô đã nhận xét yêu là "đanh đá, sắc sảo".

Ở đoạn thứ hai, tức là thời điểm 1 năm sau, thì quả thật là cô bé đã có thêm sự... đáo để. Cô nói năng "như người lớn" khi đóng vai trả lời phỏng vấn của bố. Ước mơ của cô là trở thành cô giáo. Những giải thích của cô khiến người đọc phải giật mình. Làm cô giáo thì nghèo, nhưng đó là cô giáo ở quê, còn "ở thị xã thì chẳng nghèo đâu.Lương thấp còn có khoản dạy thêm và tiền mừng tuổi của phụ huynh". Muốn có học sinh đi học thêm thì theo cô, chỉ có hai cách : hoặc dạy thật giỏi, hoặc kiểm tra ra đề vào chỗ dạy thêm ! Một chút xót xa nhen lên trong lòng người đọc. Chính những việc làm của không ít người trong số chúng ta, các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo đã vô tình làm cho tâm hồn trẻ thơ bị già cỗi đi !

Nhưng trên hết, khung cảnh trong truyện của Phan Đức Thiện vẫn là khung cảnh của một gia đình hạnh phúc. Ở đó, mọi người được sống trong tình thương yêu và hiểu biết lẫn nhau. Dẫu còn đó những gói mì tôm, đĩa hến xào đạm bạc, căn hộ 0,5 tầng... nhưng cũng vẫn còn đó những tình cảm thiêng liêng của đời sống gia đình sưởi ấm những tâm hồn trẻ thơ, trước khi các em bước vào cuộc đời.
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét