Kĩ năng viết đoạn văn

a. Kĩ năng viết những câu văn sinh động, gợi tả, gợi cảm, giàu hình ảnh và nhạc điệu:
Muốn viết được câu văn hay, ngoài việc dùng từ chính xác, câu văn cần phải có hình ảnh. Có hình ảnh, câu văn sẽ có màu sắc, đường nét, hình khối,...Để câu văn có hình ảnh, cần lưu ý hướng dẫn HS sử dụng các từ ngữ gợi tả, gợi cảm và các biện pháp nghệ thuật như so sánh, nhân hoá, điệp ngữ, đảo ngữ,...Các hình thức nghệ thuật này sẽ làm cho câu văn trở nên sinh động hơn rất nhiều.
*Với cùng một nội dung thông báo, song với mỗi cách viết lại có một cách hiểu khác nhau.
VD: Với nội dung: Con sông chảy qua một cánh đồng, ta có thể diễn tả bằng nhiều cách như sau :
- Con sông nằm uốn khúc giữa cánh đồng xanh mướt lúa khoai. (Vẻ đẹp thuần tuý).
- Con sông khoan thai nằm phơi mình trên cánh đồng xanh mướt lúa khoai. (Vẻ đẹp khoẻ khoắn).
- Con sông hiền hoà chảy qua cánh đồng xanh mướt lúa khoai. ( Vẻ đẹp hiền hoà).
- Con sông lặng lẽ dấu mình giữa cánh đồng xanh mướt lúa khoai. (Vẻ đẹp trầm tư).
- Con sông mềm như một dải lụa vắt ngang qua ánh đồng xanh mướt lúa khoai. (Vẻ đẹp thơ mộng)
......
Như vậy, ý của câu văn hoàn toàn phụ thuộc vào ngụ ý của người viết.Với mỗi một cách diễn đạt khác nhau lại cho một giá trị biểu cảm khác nhau.

Từ cách dẫn dắt, gợi mở của giáo viên và từ một ý cho trước hay từ một câu đơn (chỉ có một cụm chủ ngữ, vị ngữ), giáo viên hướng dẫn học sinh tập mở rộng câu bằng cách thêm các thành phần phụ cho câu như: trạng ngữ, bổ ngữ, động từ, tính từ, từ láy, từ tượng hình, từ tượng thanh,…Sử dụng các hình ảnh, chi tiết sinh động biểu cảm; các biện pháp nghệ thuật như: nhân hoá, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, hoán dụ, phóng đại,…làm cho cách diễn đạt câu văn, đoạn văn, thêm cụ thể, sống động giúp người đọc như cùng cảm nhận với mình.
Yêu cầu rèn luyện kĩ năng này có thể thực hiện ở các tiết học luyện từ và câu hoặc tiết trả bài tập làm văn. Bài tài tập luyện viết câu sẽ giúp học sinh có ý thức viết văn ngày càng chặt chẽ về ý tứ, sinh động, giàu xúc cảm,…Từ đó giúp các em thêm hứng thú học tập môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng. Sau đây là một số ví dụ (bài tập) về cách dùng từ, viết câu văn sinh động:
*Bài tập 1: Từ những câu văn đã cho, viết lại cho sinh động, gợi cảm xúc bằng cách thêm biện pháp nghệ thuật:
- Các em học sinh quần áo đủ màu sắc sặc sỡ đang nô đùa trên sân trường.
+Các em học sinh quần áo đủ màu sắc sặc sỡ đang nô đùa trên sân trường tựa như một đàn bướm xinh tung tăng bay lượn. (Biện pháp so sánh).
-Bông hoa hồng xinh đẹp.
+Bông hoa hồng xinh đẹp đang tươi cười và thì thầm toả hương thơm. (Biện pháp nhân hoá).
- Tôi yêu những người dân đi biển làng tôi, mặt biển trong xanh dậy sóng và những con thuyền rẽ sóng ra khơi.
+ Tôi yêu những người dân đi biển làng tôi, yêu mặt biển trong xanh dậy sóng và yêu những con thuyền rẽ sóng ra khơi. (Biện pháp điệp từ).
-Xa xa, những cánh buồm nhấp nhô trên sông, mấy người dân chài thấp thoáng, vài cách chim chiều tản mạn bay về tổ.
+Xa xa, nhấp nhô những cánh buồm trên sông, thấp thoáng mấy người dân chài, tản mạn vài cánh chim chiều bay về tổ. (Biện pháp đảo ngữ).
*Bài tập 2: Điền thêm từ thích hợp vào chỗ dấu chấm chấm để tạo thành những câu văn gợi tả, gợi cảm:
-Cổng trường…chúng em vào lớp.
+Cổng trường đang giang rộng vòng tay đón chúng em vào lớp. (Biện pháp nhân hoá).
- Chú mèo mướp có đôi mắt tròn đen…
+ Chú mèo mướp có đôi mắt tròn đen như hai hạt nhãn, bộ râu rung rung trắng như cước. (Biện pháp so sánh).
- Tôi lớn lên bằng…
+Tôi lớn lên bằng tình thương của mẹ, tình thương của cha, tình thương chở che của bà con làng xóm. (Biện pháp điệp ngữ).
*Bài tập 3: Diễn đạt lại những câu văn sau đây bằng cách thêm các từ ngữ, các biện pháp nghệ thuật cho sinh động, gợi cảm.
- Đôi cánh gà mẹ xoè ra rất rộng.
+Đôi cánh gà mẹ xoè ra rất rộng như một chiếc ô vững chãi che chở cho đàn con khỏi mưa.
- Cô Hiền Ngọc bước vào lớp nhẹ nhàng.
+ Cô Hiền Ngọc bước vào lớp nhẹ nhàng như làn gió xuân, mắt nhìn cả lớp thật âu yếm và mến thương.
- Chiếc bảng đen xinh xắn.
+ Chiếc bảng đen xinh xắn, mỗi khi chúng em lau, cậu ta nhoè nhoẹt nước mắt nhưng học hành lại rất chăm chỉ.
Ngoài cách viết câu, dùng từ, ngữ nêu trên; trong giảng dạy giáo viên cần hướng dẫn học sinh chú ý đến các đặc điểm cấu tạo của từ Tiếng Việt là đa dạng về kiểu loại (từ đơn, từ ghép, từ láy), phong phú về ý nghĩa (từ một nghĩa, từ nhiều nghĩa, từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, từ đồng âm khác nghĩa,…), linh hoạt về cách sử dụng (từ dùng trong sinh hoạt, trong sách vở khoa học, từ địa phương, từ nghề nghiệp,…).
Bài 3:
Nhận xét về ý diễn tả và cảm giác được biểu hiện trong từng câu văn dưới đây, từ đó cho biết câu văn nào hay hơn.
a) Từ một tháng nay, trời nắng gay gắt.
b) Đã từ một tháng nay, trời nắng gay gắt.
c) Từ một tháng nay, cái nắng gay gắt từ trên trời cao dội xuống.
d) Từ một tháng nay, cái nắng gay gắt cứ như từ trên trời cao dội xuống.
e) Đã từ một tháng nay, cái nắng gay gắt cứ như từ trên trời cao dội xuống, từ dưới lòng đất bốc lên.
f) Đã từ một tháng nay, cái nắng gay gắt cứ như từ trên trời cao dội xuống, từ dưới lòng đất bốc lên làm con chó Mực nhà em cứ thè lưỡi đỏ và thở hồng hộc.

b. Luyện viết đoạn văn:
- Viết đoạn văn theo đề bài
- Viết đoạn văn theo câu mở đầu
- Viết đoạn văn dựa trên ý của một đoạn thơ, văn….
- Viết đoạn mở bài, thân bài
…..

* Trước hết, HS cần nắm được:
Đoạn văn gồm nhiều câu văn được liên kết chặt chẽ cả về nội dung và hình thức (ý và lời). Vì vậy, khi viết đoạn, chúng ta cần đảm bảo được sự liên kết chặt chẽ đó. Sự liên kết về ý thể hiện ở chỗ nội dung của mỗi câu cùng hướng về, nói về một đối tượng. Sự liên kết về lời thể hiện ở các phép liên kết câu (phép lặp, phép thế, phép nối, phép liên tưởng,...). Đoạn nào không bảo đảm được sự liên kết đó thì đoạn văn sẽ trở lên lộn xộn, thiếu mạch lạc.
- Ta có thể dùng từ ngữ có tác dụng nối, dùng câu nối,...và có thể liên kết theo không gian hoặc thời gian.

VD về liên kết theo thời gian :
- Đầu hè năm ngoái,....Sáng nào,....Ít hôm sau,.....Chẳng bao lâu,.....(Liên kết theo thời gian - Áng chừng)
- Xuân về,....Hè tới,.....Thu sang,.....Khi trời chuyển mình sang đông,.....(Liên kết theo thời gian - Mùa).
- Mới sáng tinh mơ,...Khi mặt trời lên,.....Đến giữa trưa,.....Tới chiều tà,.....Khi hoàng hôn buông xuống,.....(liên kết theo thời gian trong ngày).
VD về liên kết theo không gian :
- Nhìn từ xa,....Lại gần,....Trên cành,......Dưới tán lá,....(Liên kết theo không gian : từ xa đến gần).
- Hiện ngay trước mắt tôi là....Dưới mặt đất,....Trên cao ,....Phóng tầm mắt ra,.... xa,...(Liên kết theo không gian: từ gần đến xa).

*Đoạn văn tiêu biểu thường có mở đoạn bằng một câu khái quát, câu chủ đề, nêu ý chính của cả đoạn, tiếp theo là những câu diễn giải nhằm làm sáng tỏ lời nhận định của câu mở đoạn .
VD:
Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kì vĩ của thiên nhiên. Trên một diện tích hẹp mọc lên hàng nghìn đảo nhấp nhô khuất khúc như rồng chầu phượng múa. Đảo có chỗ sừng sững chạy dài như bức tường thành vững chãi, ngăn khơi với lộng, nối mặt biển với chân trời. Có chỗ đảo dàn ra thưa thớt, hòn này với hòn kia biệt lập, xa trông như quân cờ bày chon von trên mặt biển. Tuỳ theo sự phân bố của đảo, mặt vịnh Hạ Long lúc toả mênh mông, lúc thu hẹp lại thành ao, thành vũng, lúc bị kẹp giữa hai triền đảo như một dòng suối, lúc uốn quanh chân đảo như dải lụa xanh.
(Theo Thi Sảnh)
*Ta cũng có thể diễn giải, liệt kê các chi tiết trước rồi mới kết đoạn bằng một câu khái quát , nhằm tóm lại những điều đã diễn giải ở trên.
VD, với đoạn văn :
“Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá! Trăng lên cao. Mặt nước sáng loá. Bầu trời càng sáng hơn. Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi”.
Ta cũng có thể sắp xếp lại như sau :
“ Trăng lên cao. Mặt nước sáng loá. Bầu trời càng sáng hơn. Cả một vùng nước sóng sánh,vàng chói lọi. Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá!”.
*Lưu ý :
Cái hay của một đoạn văn thể hiện rõ nét nhất ở ý. Ý càng mới mẻ, càng sâu sắc, độc đáo thì đoạn văn càng có sức thuyết phục. Ý phải diễn đạt thành lời. Ý hay mà không biết cách diễn đạt thì lời văn trở nên sáo rỗng. Lời văn hay là lời văn chân thành, trong sáng, giản dị, có hình ảnh, có âm thanh, có nhạc điệu,...và có cách sắp xếp (bố cục) chặt chẽ.

* Bài tập thực hành (Tập trung vào thể loại miêu tả):
Bài 1: Hãy viết một đoạn văn (từ 5-7 câu) tả cảnh hoặc tả cây cối có sử dụng các biện pháp tu từ đã học, có câu mở đầu là:
a) Mỗi khi mùa xuân về...
b) Mùa hè sang...
c) Thu đến...
d) Khi trời chuyển mình sang đông...
*Đáp án tham khảo:
a) Mỗi khi mùa xuân về, những búp bàng cựa mình chui ra khỏi những nhánh khô gầy, khẳng khiu sau cả mùa đông dài ấp ủ dòng nhựa nóng. Chỉ qua một đêm thôi, những chồi xanh li ti đã điểm tím hết cành to, cành nhỏ. Và rồi từng ngày, từng ngày, những chồi xanh ấy lớn nhanh như thổi, mỗi ngày mỗi khác, mỗi lúc mỗi khác. Cái màu xanh mượt mà, cái sức sống quyết liệt ấy đã gợi mở rất nhiều điều mới lạ trong tôi. (Sử dụng biện pháp nhân hoá, điệp từ điệp ngữ)
b) Mùa hè sang, cành trên cành dưới chi chít lá. Tán bàng xoè ra như một chiếc ô khổng lồ, nhiếu tầng nhiều bậc chiếm lĩnh không gian. Dưới cái ô khổng lồ màu ngọc bích ấy, không biết bao nhiêu người khách qua đường đã dừng lại nghỉ chân. Hiền lành và trầm tư, ngày qua ngày, cây bàng vẫn bền bỉ dang rộng vòng tay giúp ích cho đời. ( Sử dụng biện pháp so sánh, nhân hoá)
c) Thu đến, những chiếc lá bàng cứ đỏ dần lên theo từng nhịp bước heo may. Cây bàng lại trang điểm cho mình một bộ cánh mới. Bộ cánh đó cứ đậm dần, đậm dần lên sau từng đêm thao thức. Đến cuối thu thì nó chuyển hẳn sang màu đỏ tía. Cái màu đỏ ấy không thể thấy ở bất cứ loài cây nào. Cái màu tía kì diệu, càng nhìn càng thấy mê say. ( Sử dụng BP nhân hoá, điệp ngữ)
d) Khi trời chuyển mình sang đông, cây bàng bắt đầu trút lá. Những chiếc lá bàng lay động như những ngọn lửa đỏ bập bùng cháy. Rồi chỉ một cơn gió nhẹ, những ngọn lửa đỏ ấy chao liệng rồi đua nhau rớt xuống. Chỉ qua một đêm thôi, mặt đất đã được trang điểm một tấm thảm đỏ được dệt bằng những chiếc lá bàng. Kì diệu thay những chiếc lá! Đã rụng rồi mà vẫn toát lên vẻ đẹp đến mê say. ( Sử dụng BP so sánh, đảo ngữ)

Bài 2:
Dựa vào những ý sau, hãy viết thành một đoạn văn gợi tả và gợi cảm hơn:
a) Mùa đông đến. Những cơn gió lạnh tràn về. Nhìn lên trời, em không thấy chim én nữa. Mẹ giục em lấy áo ấm ra mặc. Em rất vui sướng khi mặc chiếc áo len mẹ mới đan cho em.
*Đáp án:
Có phải mùa đông lạnh lẽo đã đến rồi không?...Đúng rồi, những cơn gió lạnh như dao cắt đã vội vã tràn về! Nhìn lên bầu trời xam xám như màu chì, em không thấy những cánh én đang chao liệng nữa. Mẹ em giục: “Con hãy lấy chiếc áo mẹ vừa đan xong ra mặc cho ấm đi!”. Xỏ tay vào chiếc áo mới, em thấy mình như được lớn thêm một tuổi và thấy ấm áp hẳn lên vì được sống trong tình thương của mẹ.

b) Hồ thả sen hồng, có nhiều lá xanh rất to. Lá sen rất tròn. Mùa hoa nở, hương bay
thơm cả xung quanh. Nước hồ rất trong và mát. Sóng nước trên hồ gợn nhẹ khi có cơn gió qua làm em rất thích.
*Đáp án:
Hồ thả sen hồng nổi bật trên nền xanh đậm của những lá sen xòe rộng chen chúc nhau. Lá sen tròn vành vạnh như mặt trăng rằm. Mùa hoa nở, hượng sen thơm ngát cả một vùng trời đất cỏ cây. Nước hồ trong veo và mát rượi. Mỗi khi có làn gió nhẹ thoảng qua, mặt nước hồ lại gợn sóng lăn tăn như mời gọi em vốc nước lên tay cho thỏa lòng vui thích.

Bài 3 :
Viết tiếp 3 câu để thành đoạn :
a- Hôm nay là ngày khai trường...
b- Thế là mùa xuân đã về...
*Lưu ý HS : Vì viết thành đoạn nên ngoài việc đặt câu đúng ngữ pháp, cần phải có câu cuối cùng hợp lí để tạo thành câu kết của đoạn.
VD:
a) Hôm nay là ngày khai trường. Hầu hết mọi người đều hăm hở bước. Khuôn mặt ai cũng tươi roi rói. Thế là một năm học mới lại bắt đầu.
b)Thế là mùa xuân đã về. Mùa xuân về trên những chồi non, lộc biếc. Mùa xuân về bằng những bụi mưa lay phay trên vai áo người đi đường. Mùa xuân về bằng cả tiếng chim hót lảnh lót trong các vòm cây .

Bài 4 :
Sắp xếp lại trật tự để các câu sau tạo thành đoạn văn thích hợp :
a) Không lúc nào nó thèm bay bổng, thèm ca hát bằng lúc này (1). Bọ ve rạo rực cả người (2). Từ tít trên cao kia, mùi hoa lí toả xuống thơm ngát và tiếng những bạn ve inh ỏi (3).
b) Mặt nước sáng loá (1). Trăng lên cao (2). Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá (3). Bầu trời càng sáng hơn (4). Cả một vùng nước sóng sánh , vàng chói lọi (5).

Bài 5:
Dựa vào các câu thơ sau đây, em hãy viết thành một đoạn văn tả cảnh đẹp của quê hương:
Xóm làng, đồng ruộng, rừng cây,
Non cao gió dựng, sông đầy nắng chang.
Sum sê xoài biếc, cam vàng,
Dừa nghiêng, cau thẳng hàng hàng nắng soi.
(Việt Nam – Lê Anh Xuân)

*Đáp án :
Đất nước ta mỗi miền đều có những vẻ đẹp riêng. Đây là ngọn núi đá sừng sững, bốn mùa lộng gió.Buổi sớm, núi lấp lánh ánh vàng của màu nắng, màu mây.Buổi chiều, núi sẫm lại như ánh khói lam chiều toả lên từ các mái bếp. Kia là dòng sông chan hoà ánh nắng. Mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua , những gợn sóng lăn tăn lại sáng loá lên, tưởng chừng như có trăm nghìn viên ngọc trai được dát xuống mặt sông. Lẩn khuất đâu đây những mái nhà cao thấp nằm nép mình bên những rặng dừa xanh mát, với những trái xoài đung đưa trên vòm lá và những trái cam mọng nước thấp thoáng trong vườn.....

Bài 3:
Viết một đoạn văn tả âm thanh em thường nghe vào buổi sáng nơi em ở.

Bài 4:
Có một nhà văn đã viết: “Mặt trăng đầu tháng như một lưỡi liềm vàng mà người thợ gặt bỏ quên trên cánh đồng đầy sao”.
Em hãy viết một đoạn văn tả cảnh đẹp của bầu trời khi có trăng lưỡi liềm.
*Đáp án :
Có một nhà văn nào đó đã viết : “Mặt trăng đầu tháng như một lưỡi liềm vàng mà người thợ gặt bỏ quên trên cánh đồng đầy sao”. Có người lại ví trăng như con thuyền, như cánh diều,...Cách so sánh nào cũng đúng cả. Trăng non đầu tháng thật là đẹp! Mới sẩm tối, mặt trăng đã hiện lên lơ lửng ở phía tây. Bầu trời xanh thẫm, không một gợn mây. Trời càng tối, trăng càng sáng thêm. Những ngôi sao cũng nhấp nhánh mọc lên ngày một nhiều. Khoảng bảy tám giờ tối, khi mặt trăng treo lơ lửng trên đầu ngọn tre, in đậm trên nền trời đầy sao, ánh trăng chênh chếch chiếu xuống hiên nhà, trải một chiếc chiếu ra sân ngồi hóng mát, vừa chuyện trò bên xoong ngô nóng, vừa lắng tai nghe tiếng những chú côn trùng đang râm ran ở góc vườn và ngắm trăng lên. Cuộc sống mới tuyệt diệu làm sao!...

.............

* Làm thế nào để viết được một bài văn hay?
Để viết được một bài văn hay, cần lưu ý một số điểm sau:
a)Về cách dùng từ:
- Phải dùng từ cho chính xác, lựu chọn từ ngữ nào hay nhất để làm cho câu văn có hồn.
VD: Tả bông hoa:
Nụ hoa chúm chím nở như như hớp từng giọt sương.
Những cánh hoa nhỏ xíu đung đưa trong làn gió sớm.
- Muốn dùng từ được hay, các em phải luôn luôn có sự liên tưởng các sự vật với nhau, so sánh hiện tượng, sự vật này với hiện tượng, sự vật khác để chọn lựa được những từ ngữ có hình ảnh và gợi cảm. Các em nên sử dụng nhiều từ láy (từ tượng thanh, tượng hình) và từ ghép.
b) về cách đặt câu:
- Khi viết câu, cần linh hoạt, không nhất thiết cứ phải viết theo một công thức đơn điệu mà có thể thay đổi cách diễn đạt (dùng biện pháp đảo ngữ).
VD1: Trước mắt em là thảm lúa xanh bao la.
Có thể đổi lại là:Thảm lúa xanh như mở rộng dần ra trước mắt em.
VD2: Hai bên đường vàng rực hoa cúc.
Đổi lại là: Vàng rực hai bên đường là những thảm hoa cúc.
- Muốn viết được câu hay, còn phải sử dụng cách so sánh, nhân hoá.
VD: + Nhìn từ xa, cánh đồng như một thảm lúa xanh khổng lồ...
+ Những bông hoa ngả nghiêng cười đùa hớn hở...


Ví dụ về các bước dạy học sinh viết một đoạn văn (bài văn)
*Đề bài:
Đồng chiêm phả nắng lên không
Cánh cò dẫn gió qua thung lúa vàng
Gió nâng tiếng hát chói chang
Long lanh lưỡi hái liếm ngang chân trời.
(Nguyễn Duy).
Quê em lúa đang mùa chín rộ. Nhìn cánh đồng lúa chín ai cũng thấy đẹp, thấy vui. Hãy tả cảnh cánh đồng lúa chín quê em.

Bài tập1: (yêu cầu từ tiết trước)
Em hãy quan sát một cánh đồng lúa khi bắt đầu bước vào vụ gặt.

Bài tập 2:
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 7-8 dòng) tả bao quát cánh đồng dựa vào các ý sau:
- Lúa đang vào mùa chín rộ.
- Cả cánh đồng sáng rực lên như một tấm thảm vàng.
- Thoang thoảng đâu đây hương lúa chín.

Bài tập 3:
Hãy viết lại các câu văn dưới đây cho sinh động hơn:
- Những bông lúa trĩu xuống.
- Thân lúa vàng óng.
- Những đốt lá quăn lại.
- Cả vạt lúa xôn xao, báo hiệu một vụ mùa bội thu.

Bài tập 4:
Viết một đoạn văn ngắn diễn tả hoạt động của một vài nhóm người trên cánh đồng, dựa vào các ý sau:
- Một vài tốp người đang gặt lúa.
- Nón trắng nhấp nhô.
- Tiếng nói cười vui vẻ.

Bài tập 5:
Viết một bài văn hoàn chỉnh tả cánh đồng lúa chín dựa theo các ý của các BT trên.
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét