Dạy văn, dạy chữ, dạy người…

Soạn thảo văn bản trên máy tính đang thay thế viết tay…;bài thi trắc nghiệm chỉ cần tô đậm những vòng tròn…Điện thoại di động chỉ cần “chạm – đa chạm”…Nhưng trong học tập và rèn luyện không nên xem thường chữ viết tay.
>> Vì sao chữ viết học sinh ngày càng xấu?
Trừ một số trường hợp, do điều kiện thời gian cần viết nhanh như ghi bài giảng, làm bài thi…còn nếu suy nghĩ, viết nhật kí, viết bài bình thường không cần quá vội thì nên xem đây như một dịp luyện chữ viết sao cho đúng, cho rõ ràng và nếu có hứng thú để viết chữ đẹp thì càng tốt… Nếu tiếc thời gian thì hãy tốc kí hoặc sử dụng máy tính…có người sợ viết tay mất thời gian, sợ dòng chữ không theo kịp ý tưởng nhưng thực ra cả một đời chắc gì viết được văn bản nào ra hồn… Hãy luyện cho việc viết chữ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản, tìm thấy sự thú vị, như được thưởng thức nghệ thuật thể hiện những dòng chữ đầy cá tính của mình, sau này nhìn lại vẫn thấy thích. Có lẽ vì thế mà nhiều người “gò” chữ ký của mình khá công phu… Nguyễn Trãi có câu thơ rất hay, thể hiện phong thái bậc hiền triết: “Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu”. Văn bản chữ Hán hoặc chữ Nôm ngày xưa dành cho người đọc cái thú tự chấm câu.Nguyễn Tuân viết “những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người”,(Chữ người tử tù) tất nhiên đây là chữ Hán-tượng hình nhưng cũng gợi những suy nghĩ về chữ quốc ngữ…

Mỗi ngày dành chút thời gian suy tư và viết lại thành những dòng chữ bình
thường, xem đó là bài tập thực hành vừa viết chữ vừa luyện tinh thần. Viết như một cách thức suy nghĩ, khi khó tập trung tư tưởng thì viết là cách tập trung hiệu quả.. Hãy cố viết những ý tưởng thành câu cú hoàn chỉnh, chữ đủ nét, rõ ràng… không nên chỉ ghi những ý tưởng rời rạc, nhiều khi mơ hồ, sau này sẽ khó hiểu… Trừ một số người có trí nhớ tốt, phần lớn những ý nghĩ trừu tượng rất khó nhớ, nghĩ trước quên sau, nếu như lúc đó có một tờ giấy để viết chữ hoặc sơ đồ thì sẽ nhanh hơn nhiều. Ngạn ngữ Ả rập :“Trí nhớ tốt nhất không bằng nét mực mờ nhất”.

Cách rèn chữ đẹp ở một số trường phổ thông hiện nay đẹp thì có đẹp nhưng coi chừng biến thành máy móc, vô hồn nếu quá đặt nặng về kĩ thuật, học sinh viết rất giống nhau, đều đặn như khuôn mẫu, như được sản xuất hàng loạt theo kiểu chữ in trong máy tính. Ngoài ra, học sinh có đủ năng lực nhận thức, nên phải đặc biệt chú ý nội dung trong những hàng chữ; đọc lại những dòng chữ mà nội dung tầm thường, đọc mãi mất cả hứng thú thì có ý nghĩa gì? Viết nhật kí mà chữ không rõ ràng, không ngay ngắn nhìn thấy nản không muốn đọc lại.

Cách viết các dấu hỏi, ngã, sắc, huyền cũng nói lên tính cách hoặc trạng thái tinh thần. Người vội vàng, thiếu cẩn thận, thiếu kiên nhẫn viết dấu hỏi dấu sắc không khác nhau; có người viết dấu huyền như dấu sắc, quẹt một đường ngang cho xong chuyện, có người viết dấu mũ thật rõ ràng, có đỉnh là một mũi nhọn nhưng cũng có người viết cho nhanh như một cánh cung úp xuống…có người viết chữ t với nét ngang thật dài, có người viết chữ g chữ y“cụt đuôi” hoặc ngược lại quá “phong cách” với nét cuối đâm thẳng xuống rồi ngoặt lên nhìn như một mũi dao găm; có người thích những đường cong nên chữ n và chữ u quá “mềm” nhìn không khác nhau… những người này nên viết tên riêng bằng chữ in hoa trên đơn từ … Cách kết thúc một chữ cũng cần được quan tâm, hướng lên hay xuống hoặc ngưng lại…Một số người viết chữ g và chữ h thiếu nét, đánh đố người đọc, trong khi người khác nét cuối như bay vút lên trời. Nếu để luyện tinh thần có lẽ nên thong thả viết những chữ cái này, những dấu này như là cách luyện sự kiên nhẫn, bình tĩnh, kiềm chế. Có sách viết rằng chữ nghiêng là biểu hiện của ý chí mạnh mẽ, nghị lực (?)…Chữ nét tròn là mẫu người dễ tính (!). Nét chữ rõ ràng, mạnh mẽ là thể hiện tính nghiêm túc, ý chí quyết tâm…và là một thói quen tốt.
  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét